Kinh doanh homestay hiện nay ngày càng được quan tâm và chú ý nhiều hơn, tuy nhiên đây là không phải một câu chuyện ngày đơn giản. Thay vào đó, để kinh doanh homestay một cách hiệu quả cần phải có một bước đi vững chắc và học hỏi những kinh nghiệm từ người đi trước.
Chính vì vậy, Hanami xin chia sẻ đến bạn Hướng dẫn kinh doanh Homestay để bạn có thể có một bước đi vững chắc hơn.
Homestay là gì?
Homestay là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa, nơi mà họ đặt chân đến nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó.
Hiểu một cách đơn giản và bao quát nhất, Homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật và hiệu quả nhất. Loại hình du lịch Homestay được đánh giá là đặc biệt phù hợp với quốc gia đa văn hóa như Việt Nam, phát triển nhất tại các tỉnh, thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Yên Bái, Mộc Châu, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Bến Tre, Long An,…
Kinh doanh Homestay cần chuẩn bị những gì?
Nghiên cứu thị trường
Để có thể sống sót trong một thị trường khắc nghiệt và kinh doanh thành công, nghiên cứu thị trường là một trong những bước không thể thiếu và kinh doanh homestay cũng không phải là ngoại lệ. Cụ thể là hãy thông minh và sáng suốt khi thực hiện “khoanh vùng” khách hàng mục tiêu mà bạn muốn hướng tới bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Khách hàng của bạn là ai? Tệp khách có độ tuổi là bao nhiêu? Sở thích của họ là gì?… Sau đó, bạn mới có thể quyết định được vị trí cũng như thiết kế của homestay để khách hàng đến lần đầu là có nhiều lần sau.
Nguồn vốn
Chi phí xây dựng homestay: Cần tối thiểu bao nhiêu vốn? Không có con số cụ thể về vốn kinh doanh và vốn khởi điểm, nó sẽ rơi vào tầm khoảng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc vài tỷ, tùy thuộc vào quy mô và mục đích kinh doanh homestay của bạn.
Tuy nhiên, một con số an toàn nhất dành cho bạn dao động từ 300 triệu-500 triệu đồng. Vì có rất nhiều chi phí sẽ phát sinh trong quá trình kinh doanh vận hành homestay, nhất là giai đoạn đầu, khi homestay chưa có khách.
Nếu nguồn vốn của bạn vẫn còn hạn chế và bạn chưa đủ tự tin để kinh doanh homestay thì hãy xem bài viết 4 cách xây dựng homestay đơn giản với chi phí thấp cho người ít vốn. Chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn nguồn thông tin giúp bạn có thể tự tin hơn khi kinh doanh homestay.
Địa điểm
Vị trí thuận lợi được cho là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi kinh doanh lưu trú. Nếu homestay của bạn nằm ở nơi thuận tiện cho việc di chuyển sẽ là một trong những điểm cộng lớn, bởi đa số du khách có xu hướng thăm thú nhiều nơi mà không mất quá nhiều thời gian.
Ở các thành phố lớn hoặc các thành phố du lịch, homestay thường ở gần trung tâm sầm uất để tiện cho việc đi lại của khách. Còn đối với homestay tại các địa phương có truyền thống du lịch, việc lựa chọn vị trí của homestay gần với các điểm du lịch nổi tiếng sẽ giúp thu hút nhiều khách thăm quan hơn.
Thuê mặt bằng
Trong trường hợp bạn đã có sở hữu sẵn mặt bằng cho việc vận hành homestay, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí tương đối ở khởi điểm, và cũng nhanh chóng thu hồi vốn nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đi thuê nếu không có sẵn mặt bằng kinh doanh.
Tuyển nhân sự cho Homestay
Để homestay có thể vận hành hiệu quả, cần có một đội ngũ nhân viên nhiệt tình và nhiệt huyết, làm việc năng suất và hiệu quả. Nếu chưa có nhiều thời gian hay kinh nghiệm quản lý và vận hành homestay, hãy tìm một quản lý giàu kinh nghiệm để có thể quản lý và vận hành một cách tốt nhất.
Hoàn thành các thủ tục cấp phép để kinh doanh homestay
Tương tự như các hình thức kinh doanh cung cấp dịch vụ lưu trú khác, kinh doanh homestay không phải là trường hợp ngoại lệ khi yêu cầu giấy phép đăng ký đầy đủ để có thể chính thức đi vào hoạt động. Một số giấy phép bắt buộc cần có như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an ninh trật tự, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy công nhận xếp hạng.
Ngoài ra, homestay trước khi được vận hành cần đáp ứng đầy đủ những điều kiện, yêu cầu đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể trong các văn bản pháp luật như: Nghị định 79/2014/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Luật Du lịch 2005,…
5 Chiến lược kinh doanh homestay hiệu quả
Cung cấp những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng
Nhiều nhà kinh doanh homestay quên mất rằng lý do khách hàng lựa chọn homestay cho kì nghỉ thay vì khách sạn là bởi họ muốn trải nghiệm văn hóa địa phương. Thế nhưng, nhiều homestay lại chỉ tập trung đưa ra các chương trình giảm giá để hút khách. Kết quả, việc kinh doanh không tránh khỏi tình trạng thua lỗ.
Vậy nên, để kinh doanh homestay hiệu quả và bền vững 100%, cung cấp cho du khách những trải nghiệm độc đáo và mới mẻ là điều vô cùng cấp thiết. Rất nhiều chủ homestay đã “ăn nên làm ra” nhờ kết hợp những trải nghiệm địa phương như: xuống ao bắt cá, hái hoa quả, thăm ruộng lúa chín… hay thậm chí du khách có cơ hội được tự tay nấu nướng với những nguyên liệu mà họ tự tay thu hoạch được.
Thiết kế homestay độc đáo
Thống kê cho thấy hiện nay homestay thường nhắm đến đối tượng là các khách hàng trẻ. Đặc điểm của đối tượng này là đam mê khám phá những địa điểm và màu sắc mới mẻ. Vì vậy, càng độc lạ, các bạn trẻ lại càng thích chụp ảnh “check-in” sống ảo đồng thời chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Nhờ vậy mà homestay của bạn được quảng cáo miễn phí và thu hút thêm càng nhiều khách đến nghỉ ngơi hơn.
Đầu tư vào không gian homestay
Hãy thiết kế một không gian nghỉ ngơi độc đáo, mang đến những trải nghiệm chân thực từ địa phương, thoải mái và ấm cúng. Bên cạnh đó, hãy thiết kế cho homestay một căn bếp ấm cúng và sạch sẽ tiện nghi để khách hàng có những trải nghiệm tuyệt vời tại homestay của bạn.
Hợp tác bán phòng với các kênh OTA
OTA (viết tắt của Online Travel Agent) là đại lý du lịch trực tuyến có website cho phép người tiêu dùng đặt các dịch vụ liên quan đến du lịch khác nhau như: phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay,… Các giao dịch mua bán, thanh toán đều được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến. Các kênh OTA sẽ đăng thông tin đầy đủ về các khách sạn, homestay, resort,… lên trang web. Từ đó giúp các đơn vị tiếp cận được với khách hàng và sẽ lấy hoa hồng trên mỗi phòng khi khách hàng đặt qua website của họ.
Du khách ngày nay thường tìm đến những các đại lý du lịch trực tuyến – các kênh OTA để lựa chọn và đặt phòng. Vậy nên, đừng quên xúc tiến hình ảnh homestay kèm thông tin chi tiết homestay của bạn để khách có thể tiếp cận nhiều du khách hơn bạn nhé, không những chỉ khách nội địa mà cả khách du lịch nước ngoài.
Bạn có thể tham khảo một số kênh OTA phổ biến cho việc bán phòng như: Booking.com, Expedia.com, Agoda.com,…
Sử dụng các phần mềm quản lý
Không ít người cho rằng homestay quy mô nhỏ thì không cần đến phần mềm quản lý chuyên nghiệp. Thế nhưng, đây là một tư tưởng sai lầm có thể dẫn việc kinh doanh không đi đến đâu. Vì vậy, một phần mềm quản lý thông minh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và bạn có thể cân nhắc một số phần mềm PMS, GDS trong vận hành homestay của bạn.
GDS là viết tắt của Global Distribution System, đây là mạng lưới đặt chỗ ở trên toàn thế giới được kiểm soát và điều hành bởi các hệ thống máy tính. GDS được sử dụng như một điểm truy cập để đặt phòng khách sạn, bán vé máy bay. Hiện nay, có 3 kênh GDS lớn nhất trên thế giới là TravelPort, Worldspan, Amadeus. Nhiều khách sạn, các kênh bán vé máy bay cũng lựa chọn sử dụng hệ thống GDS để tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng.
Kinh doanh Homestay không phải là một việc dễ dàng và có thể sớm thành công. Chính vì vậy, mong bạn có thể đưa ra những lựa chọn chính xác nhất sau khi đã đọc những thông tin từ bài viết Hướng dẫn kinh doanh Homestay của Hanami. Hẹn gặp lại qua các bài viết tiếp theo.
Về tác giả:
Chúng tôi không kiếm lợi nhuận từ nội dung đăng tải. Các bài viết đều được biên soạn và kiểm duyệt bởi đội ngũ tác giả và biên tập viên của công ty TNHH du lịch khách sạn Hana. Xem thêm: về tác giả